Expert Care
By skilled surgeons
Phẫu thuật chi trên
TAY
Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là nguyên nhân phổ biến gây tê và đau tay. Các gân ở cổ tay sưng lên và gây áp lực lên dây thần kinh giữa, một trong ba dây thần kinh chính làm nhiệm vụ tạo cảm giác cho bàn tay. Hội chứng này phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới và ảnh hưỏng đến 10% dân số.
Giải phẫu
Ống cổ tay là một cấu trúc hẹp, giống như đường hầm ở cổ tay. Đáy và hai bên của đường hầm này được hình thành bởi khối xương cổ tay. Đỉnh của đường hầm được bao phủ bởi một dải mô liên kết chắc chắn, được gọi là dây chằng.
Dây thần kinh giữa đi từ cẳng tay vào bàn tay qua đường hầm này ở cổ tay. Các gân có tác dụng giúp ngón tay và ngón cái cử động cũng đi qua đường hầm này.
Nguyên nhân gây ra Hội chứng ống cổ tay là do áp lực lên dây thần kinh đi qua ống cổ tay.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra Hội chứng ống cổ tay là do áp lực gia tăng lên dây thần kinh đi qua bàn tay do không gian bị hạn chế của ống cổ tay. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ống cổ tay.
• Di truyền là yếu tố quan trọng nhất.
• Sử dụng tay trong một thời gian dài có thể góp phần nào đó gây ra Hội chứng này.
• Bàn tay hoặc cổ tay lặp đi lặp lại một động tác; nghĩa là cùng một chuyển động được lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian rất dài.
• Thay đổi nội tiết tố liên quan đến mang thai và mãn kinh.
• Do các bệnh lý khác, bao gồm bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp và mất cân bằng tuyến giáp.
Trong một số trường hợp, không thể làm rõ nguyên nhân gây ra Hội chứng ống cổ tay.
Triệu chứng
Các triệu chứng thường bắt đầu dần dần mà không có chấn thương cụ thể.
• Tình trạng tê, ngứa ran và đau ở tay là phổ biến.
• Cảm giác như điện giật ở ngón tay hoặc bàn tay.
Ngón tay cái của bàn tay thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Các triệu chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Phổ biến là các triệu chứng thường xảy ra vào ban đêm và có thể làm bạn thức giấc. Vào ban ngày, các triệu chứng thường xảy ra khi bạn cầm một vật gì đó như điện thoại hoặc khi đọc sách hoặc lái xe. Cử động hoặc lắc tay thường cũng giúp làm giảm triệu chứng.
Đôi khi những cảm giác và cơn đau khác lạ sẽ lan từ cánh tay về phía vai. Các triệu chứng ban đầu đến và đi, nhưng lâu dần chúng có thể trở nên dai dẳng. Cảm giác vụng về hoặc yếu đuối có thể khiến những hành động cần sự khéo léo như cài cúc áo trở nên khó khăn. Những cảm giác này có thể khiến bạn đánh rơi đồ đạc. Nếu tình trạng trở nên rất nghiêm trọng, các cơ ở lòng bàn tay có thể bị teo đi rõ rệt.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách thảo luận về các triệu chứng của bạn và thực hiện một số kiểm tra cơ lý tính như sau:
• Yêu cầu bạn duỗi thẳng ngón cái trong khi ngón này đang bị giữ để xác định xem dây thần kinh giữa có bị yếu hay không (kiểm tra sức mạnh khi duỗi ngón tay cái)
• Yêu cầu bạn duỗi cánh tay và thả lỏng cổ tay để xem bạn có bị tê hoặc ngứa ran ở cổ tay không (thủ thuật Phalen)
• Ấn vào dây thần kinh giữa ở cổ tay để xác định xem có dấu hiệu tê hoặc ngứa ran hay không. (thử nghiệm nén ống cổ tay Durkan)
• Gõ dọc theo dây thần kinh giữa ở cổ tay để xem có cảm giác ngứa ran ở ngón tay nào không
• Yêu cầu bạn nhắm mắt lại và hỏi xem bạn có cảm thấy áp lực khi chạm nhẹ hai đầu ngón tay vào đầu ngón tay của bàn tay bị bệnh hay không. Nếu bạn mắc hội chứng ống cổ tay, bạn có thể không phân biệt được hai điểm chạm cách nhau dưới 5mm là các điểm riêng biệt
Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang cổ tay nếu bạn bị hạn chế cử động cổ tay. Nếu các triệu chứng vẫn gây phiền toái cho bạn, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra chức năng thần kinh bằng phương pháp thăm dò điện sinh lý để giúp xác nhận chẩn đoán và khẳng định lựa chọn điều trị tốt nhất trong trường hợp của bạn.
Điều trị
Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, hội chứng ống cổ tay có thể giảm mà không cần phẫu thuật.
Điều trị không phẫu thuật
Quá trình điều trị thường bắt đầu bằng việc đeo nẹp vào ban đêm để cố định cổ tay ở vị trí tự nhiên. Bác sĩ cũng khuyến khích đeo nẹp trong các hoạt động làm nặng thêm các triệu chứng.
Các loại thuốc đơn giản có thể giúp làm giảm đau. Những loại thuốc này bao gồm thuốc chống viêm (NSAID như ibuprofen.
Thay đổi cách sử dụng tay để tránh các hoạt động làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng cũng có thể hữu ích.
Tiêm corticosteroid thường sẽ giúp giảm đau tạm thời, nhưng các triệu chứng có thể quay trở lại.
Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được xem xét nếu hội chứng ống cổ tay tiếp tục gây phiền toái cho bạn và bạn không thấy thuyên giảm khi điều trị nội khoa. Quyết định phẫu thuật chủ yếu dựa vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
• Nếu các triệu chứng nghiêm trọng và không thuyên giảm, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật.
• Trong những trường hợp nặng hơn, nên cân nhắc đến phẫu thuật sớm hơn do các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
• Trong những trường hợp rất nghiêm trọng, có thể đề nghị phẫu thuật để ngăn ngừa những tổn thương không thể phục hồi.
Kỹ thuật. Nói chung, phẫu thuật ống cổ tay được thực hiện trên cơ sở ngoại trú dưới hình thức gây tê tại chỗ.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ thực hiện một vết cắt (vết mổ) ở lòng bàn tay hoặc cổ tay. Bác sĩ sẽ cắt da và dây chằng trên ống cổ tay giúp tăng không gian của ống cổ tay, giải phóng chèn ép và giảm áp lực lên dây thần kinh.
Trong một số trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ áp dụng phương pháp mổ nội soi với vết mổ nhỏ hơn.
Lưu ý. Những nguy cơ do phẫu thuật bao gồm chảy máu, nhiễm trùng và tổn thương dây thần kinh. Có thể xảy ra vài cơn đau, sưng và cứng khớp. Đau nhức nhẹ ở lòng bàn tay là hiện tượng thường gặp trong vài tháng sau phẫu thuật. Hiếm khi xảy ra các vấn đề nghiêm trọng. Bạn có thể được hướng dẫn để tập nâng cao bàn tay và di chuyển các ngón tay sau phẫu thuật giúp giảm thiểu sưng tấy và cứng khớp.
Quá trình hồi phục. Hầu hết bệnh nhân thấy các triệu chứng được cải thiện sau phẫu thuật, nhưng quá trình hồi phục có thể diễn ra từ từ. Trung bình, lực nắm và lực véo thường trở lại khoảng 2 tháng sau phẫu thuật. Khả năng hồi phục hoàn toàn có thể lên đến một năm. Nếu tình trạng đau và yếu kéo dài hơn 2 tháng, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn luyện tập với chuyên gia trị liệu tay. Nếu thời gian bạn bị hội chứng ống cổ tay dài hơn và dây thần kinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn trước khi điều trị thì quá trình hồi phục sẽ chậm hơn và khả năng hồi phục hoàn toàn sẽ thấp hơn.
VAI
Vai bao gồm ba xương, ba khớp và các cơ, gân và dây chằng kết nối cơ xương khớp lại với nhau. Ba xương là xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn. Ba khớp là khớp vai, khớp cùng đòn và khớp ức đòn.
Khớp lớn nhất là khớp vai, là khớp cầu được tạo thành bởi xương bả vai và xương cánh tay. Khớp cầu, hay còn gọi là ổ chảo, là một phần của xương bả vai và rất nông, trông bề ngoài giống như một chiếc tee golf. Xương cánh tay, hay xương cẳng tay, có một khối xương hình cầu nằm ở chỏm xương cánh tay lọt trong ổ chảo giúp cánh tay chuyển động. Vì ổ chảo rất nông nên khối cầu này có thể di chuyển tự do mà trục xương cánh tay không bị chạm vào mép ổ chảo gây hạn chế chuyển động. Thay vào đó, vai nhờ có dây chằng và một bó gân gọi là chóp xoay để giữ khối cầu trong ổ chảo. Bởi vì vai chủ yếu nhờ vào các mô mềm để ổn định nên phạm vi chuyển động của vai lớn hơn đáng kể so với các khớp khác. Tuy nhiên, chính vì lý do này nên vai dễ bị chấn thương.
Khớp cùng đòn được tạo thành từ xương đòn và một phần của xương bả vai, được gọi là mỏm cùng vai, nằm gần như ngay trên khớp vai. Ngược lại với khớp vai, mỏm cùng vai ít chuyển động và được cố định với nhau nhờ các dây chằng quạ đòn. Chấn thương ở những dây chằng này được gọi là “trật khớp vai”.
Khớp ức đòn nối xương đòn với xương ức và giúp nâng đỡ vai. Khớp ức đòn hiếm khi bị thương, ngoại trừ chấn thương tốc độ cao, nhưng viêm khớp có thể phát triển ở khớp dẫn đến sự xuất hiện của một vết sưng nhẹ ở chỗ nối các xương.
Cơ delta là một cơ lớn chắc khoẻ, gắn xương bả vai và xương đòn vào xương cánh tay. Chức năng của cơ delta là nâng, kéo giãnvà mở rộng khớp vai. Hầu hết sức mạnh ở vai đều tập trung ở cơ delta.
Chóp xoay là một nhóm gồm bốn cơ bao quanh chỏm xương cánh tay. Đó là cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ tròn bé và cơ dưới vai. Nhiệm vụ của những cơ này là cố định chỏm xương cánh tay trong ổ chảo và hỗ trợ nâng cao và xoay vai. Phần cơ bám vào xương được gọi là gân, và chóp xoay có bốn gân, nằm trong một khoảng nhỏ giữa đầu xương cánh tay và mỏm cùng vai. Nếu chóp xoay bị chấn thương và sưng lên, khoảng trống nhỏ này có thể dẫn đến chấn thương nặng hơn và có thể làm rách hoặc trật chóp xoay.
Bắp tay là cơ co cẳng tay và xoay trong cẳng tay. Bắp tay có hai phần bám vào xương bả vai. Một phần bám vào mỏm quạ ở phía trước, hiếm khi bị thương, và một phần bám bên trong khớp vai đến đỉnh ổ chảo, thường xuyên bị thương.
Các cơ khác bám gần vai bao gồm cơ xô ở lưng và cơ ngực chính ở ngực. Những cơ lớn này hoạt động để thực hiện các động tác xoay bên trong xương cánh tay.
Bên trong khớp vai, sụn viền là một vòng sụn bao quanh ổ chảo và làm cho ổ chảo sâu hơn. Sụn viền mềm và linh hoạt, vì vậy nó có thể giúp khớp vai ổn định hơn mà không cản trở chuyển động. Một số dây chằng hoặc mô liên kết dạng sợi giữ xương nằm đúng vị trí, hỗ trợ chóp xoay bằng cách giúp giữ khối xương hình cầu trong ổ chảo.
Cơ chế chấn thương
Vai có thể bị thương do chấn thương, thực hiện động tác lặp đi lặp lại hoặc thoái hóa do tuổi tác. Chấn thương là nguyên nhân hàng đầu gây thương tích ở người trẻ. Ngã khi tay đang dang rộng, hoặc ngã dẫn đến chấn thương do xoay đột ngột ở vai có thể khiến gãy xương hoặc trật khớp. Thực hiện một động tác lặp đi lặp lại là nguyên nhân phổ biến gây chấn thương vai. Những người có nghề nghiệp đòi hỏi phải làm việc trên cao, chẳng hạn như thợ sửa ống nước, thợ điện, thợ mộc và thợ cơ khí rất dễ bị chấn thương. Vận động viên chơi các môn thể thao đòi hỏi phải vận động vai qua đầu như bóng chày, tennis, bóng chuyền và bơi lội có thể bị đau vai. Cuối cùng, khi tuổi già đến, vai mất đi sự linh hoạt. Chóp xoay và dây chằng giữ vai trong ổ chảo cũng không tránh khỏi tình trạng này. Chúng trở nên cứng hơn và dễ bị rách hơn. Thoái hoá thông thường trên khớp có thể tích tụ khiến chóp xoay bị rách mà không có thương tích cụ thể nào.
KHUỶU TAY
Khuỷu tay bao gồm ba xương và các cơ, gân và dây chằng kết nối chúng với nhau. Ba xương là xương quay và xương trụ, tạo nên cẳng tay, và xương cánh tay hoặc xương cánh tay trên. Khuỷu tay được sử dụng để mang vác vật nặng và định vị bàn tay trong không gian. Những nhiệm vụ đối nghịch này đòi hỏi khuỷu tay phải ổn định và linh hoạt.
Khuỷu tay là khớp bản lề, phần cuối của xương cánh tay khớp với một rãnh ở xương trụ. Nhờ vậy khuỷu tay có thể gập lại và dang ra một cách ổn định. Xương quay gắn vào xương cánh tay ở khớp cầu và ổ chảo, cho phép cẳng tay có thể xoay chuyển và làm cho bàn tay linh hoạt hơn.
Khuỷu tay vận động được là nhờ bốn nhóm cơ. Nhóm cơ gấp và cơ sấp bám vào mặt trong của xương cánh tay giúp gập cổ tay và úp lòng bàn tay xuống. Nhóm cơ duỗi và cơ quay ngửa bám vào bên ngoài xương cánh tay. Chức năng của nhóm cơ này là duỗi cổ tay và ngửa lòng bàn tay lên. Cơ tam đầu có tác dụng làm thẳng khuỷu tay, trong khi cơ cánh tay và cơ nhị đầu giúp gấp khớp khuỷu tay. Mặc dù cơ nhị đầu chịu trách nhiệm thực hiện một số động tác gập khuỷu tay, nhưng nhiệm vụ chính của cơ nhị đầu là ngửa lòng bàn tay lên bằng cách xoay xương quay khi nó co lại.
Cơ chế chấn thương
Khuỷu tay có thể bị thương do chấn thương, thực hiện động tác lặp đi lặp lại hoặc thoái hóa do tuổi tác. Chấn thương là nguyên nhân hàng đầu gây thương tích ở người trẻ. Ngã khi tay đang dang rộng, hoặc ngã dẫn đến chấn thương do xoay đột ngột ở khuỷu tay có thể khiến gãy xương hoặc trật khớp. Thực hiện một động tác lặp đi lặp lại là nguyên nhân phổ biến gây chấn thương khuỷu tay. Những người có nghề nghiệp đòi hỏi công việc lặp đi lặp lại như thợ mộc, thợ máy và nhân viên đánh máy rất dễ bị chấn thương. Vận động viên chơi các môn thể thao gây áp lực ở khuỷu tay như bóng chày, tennis, golf và bóng mềm, có thể bị đau khuỷu tay. Cuối cùng, thoái hoá thông thường trên khớp có thể tích tụ trong suốt cuộc đời khiến gân và dây chằng bị rách mà không có bất kỳ chấn thương cụ thể nào.