Expert Care
By skilled surgeons
Phẫu thuật chi dưới
HÔNG
Viêm xương khớp hông
Tương tự các khớp khác phải chịu trọng lượng của cơ thể, hông có thể có nguy cơ bị viêm khớp “thoái hóa” (viêm xương khớp), một bệnh phổ biến nhất. Lớp phủ bên ngoài mịn và trơn láng (sụn khớp) bao bọc đầu xương giúp khớp hông di chuyển trong ổ khớp có thể bị bào mòn.
Nguyên nhân
• Khoảng 10 triệu người Mỹ cho biết đã được chẩn đoán bị viêm xương khớp.
• Bạn có nhiều khả năng bị viêm xương khớp hơn nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh này.
• Bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu bạn đã lớn tuổi, béo phì hoặc bị chấn thương khiến sụn hông bị ảnh hưởng.
• Bạn có thể bị viêm xương khớp kể cả khi không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.
• Hãy khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nghi ngờ mình có thể mắc bệnh này.
Triệu chứng
Dấu hiệu đầu tiên có thể là hơi khó chịu và cứng khớp ở háng, mông hoặc đùi khi bạn thức dậy vào buổi sáng. Cơn đau bùng phát khi bạn hoạt động và giảm bớt khi bạn nghỉ ngơi.
Nếu bạn không được điều trị, tình trạng sẽ trở nên tệ hơn, kể cả khi nghỉ ngơi cũng không làm bạn bớt đau. Khớp hông bị cứng và viêm. Gai xương có thể tích tụ ở rìa khớp.
Khi sụn mòn đi hoàn toàn, các xương sẽ cọ xát trực tiếp vào nhau khiến bạn cảm thấy rất đau đớn khi cử động. Bạn có thể mất khả năng xoay, cúi gập hoặc duỗi hông. Nếu bạn giảm vận động để tránh bị đau, các cơ bao quanh khớp sẽ yếu đi và bạn có thể bắt đầu đi khập khiễng.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ xác định mức độ tiến triển của bệnh. Hãy mô tả các triệu chứng và thời điểm bệnh khởi phát.
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn xoay, cúi gập và giãn hông để kiểm tra cơn đau.
Bác sĩ có thể sẽ muốn bạn đi bộ hoặc đứng bằng một chân để xem hông của bạn có thẳng không.
Có thể bạn sẽ được chụp X-quang cả hai hông để kiểm tra xem không gian khớp hông có thay đổi hay không, và xem bạn có bị gai xương hoặc gặp các bất thường khác hay không.
Điều trị
Mặc dù bạn không thể thay đổi được tình trạng của viêm xương khớp, nhưng điều trị sớm không phẫu thuật có thể giúp bạn tránh được nhiều đau đớn, tàn tật và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Phẫu thuật có thể được lựa chọn nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng.
Điều trị không phẫu thuật
Nếu bạn bị viêm xương khớp hông ở giai đoạn đầu, phương pháp điều trị đầu tiên có thể là:
• Nghỉ ngơi để hông không hoạt động quá tải
• Tập vật lý trị liệu với các bài tập nhẹ nhàng, thường xuyên như bơi lội, thể dục nhịp điệu dưới nước hoặc đạp xe để giữ cho khớp hoạt động bình thường và cải thiện sức mạnh cũng như phạm vi vận động của khớp
• Dùng thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen để giảm đau
• Ngủ đủ giấc mỗi đêm
• Bạn có thể phải giảm cân nếu thừa cân. Khi bệnh tiến triển, bạn có thể phải dùng gậy.
Điều trị phẫu thuật
Nếu bạn bị viêm xương khớp ở giai đoạn sau, khớp hông bị đau khi bạn nghỉ ngơi vào ban đêm và/hoặc hông bị biến dạng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật thay khớp háng toàn phần.
Bác sĩ sẽ thay một khối cầu hai mảnh và ổ chảo cho khớp hông của bạn. Bạn sẽ không thấy đau nữa và khả năng đi lại được cải thiện. Bạn có thể phải dùng nạng hoặc khung tập đi một thời gian sau phẫu thuật.
Phục hồi chức năng rất quan trọng trong quá trình khôi phục sự linh hoạt của hông và giúp cơ bắp trở lại trạng thái bình thường.
ĐẦU GỐI
Những chấn thương thường gặp ở đầu gối
Năm 2010, có khoảng 10,4 triệu bệnh nhân đến khám bác sĩ vì các chấn thương thường gặp ở đầu gối như gãy xương, trật khớp, bong gân và rách dây chằng. Chấn thương đầu gối là một trong những lý do phổ biến nhất khiến người ta phải đến khám bác sĩ.
Đầu gối là một khớp phức tạp với nhiều thành phần, khiến nó dễ bị tổn thương bởi nhiều loại chấn thương. Nhiều chấn thương đầu gối có thể được điều trị thành công bằng các phương pháp đơn giản như nẹp cố định và các bài tập phục hồi chức năng. Các chấn thương khác có thể cần phải điều trị bằng phẫu thuật.
Cấu tạo đầu gối
Đầu gối là khớp lớn nhất trong cơ thể và là một trong những khớp dễ bị chấn thương nhất. Đầu gối được tạo thành từ bốn phần chính: xương, sụn, dây chằng và gân.
• Xương. Ba xương gặp nhau để tạo thành khớp gối: xương đùi, xương chày (xương ống chân) và xương bánh chè.
• Sụn khớp. Đầu xương đùi, xương chày và mặt sau xương bánh chè được bao phủ bằng sụn khớp. Lớp sụn trơn này giúp các xương ở đầu gối chuyển động nhịp nhàng với nhau khi bạn gập hoặc duỗi thẳng chân.
• Sụn chêm. Hai miếng sụn chêm có hình nêm đóng vai trò như “bộ giảm xóc” giữa xương đùi và xương chày. Khác với sụn khớp, sụn chêm cứng và dẻo dai giúp đệm và ổn định khớp. Khi nói đến sụn bị rách ở đầu gối, người ta thường đề cập đến rách sụn chêm.
• Dây chằng. Các xương được nối với nhau bằng dây chằng. Bốn dây chằng chính ở đầu gối hoạt động giống như những dây thừng chắc khỏe nhằm cố định các xương lại với nhau và giữ cho đầu gối ổn định.
• Dây chằng bên. Những dây chằng này nằm ở hai bên đầu gối. Dây chằng bên trong nằm ở bên trong đầu gối và dây chằng ngoại bên nằm ở bên ngoài. Chúng kiểm soát những chuyển động ngang của đầu gối và giúp đầu gối chống lại những chuyển động bất thường.
• Dây chằng chéo. Những dây chằng này nằm bên trong khớp gối. Chúng bắt chéo nhau tạo thành hình chữ X với dây chằng chéo trước ở phía trước và dây chằng chéo sau ở phía sau. Các dây chằng chéo kiểm soát chuyển động qua lại của đầu gối.
• Gân. Cơ được nối với xương bằng gân. Gân của cơ tứ đầu nối các cơ ở phía trước đùi với xương bánh chè. Gân bánh chè kéo dài từ xương bánh chè đến xương chày.
Đầu gối được tạo thành từ nhiều cấu trúc quan trọng, bất kỳ cấu trúc nào trong số đó đều có thể bị tổn thương. Các chấn thương đầu gối phổ biến nhất là gãy xương quanh đầu gối, trật khớp, bong gân và rách các mô mềm như dây chằng. Trong nhiều trường hợp, chấn thương liên quan đến nhiều cấu trúc ở đầu gối.
Đau và sưng là dấu hiệu phổ biến nhất của chấn thương đầu gối. Ngoài ra, đầu gối có thể không gập lại được hoặc không duỗi thẳng ra được. Nhiều chấn thương đầu gối gây ra tình trạng mất ổn định – cảm giác đầu gối như đang bị sụm xuống.
Gãy xương
Xương dễ bị gãy nhất quanh đầu gối là xương bánh chè. Khớp gối, nơi các đầu xương đùi và xương chày nối với nhau, cũng dễ bị gãy. Nhiều trường hợp gãy xương quanh đầu gối là do chấn thương nghiêm trọng như ngã từ độ cao đáng kể và va chạm với xe cơ giới.
Trật khớp
Trật khớp xảy ra khi xương đầu gối bị lệch hoàn toàn hoặc một phần. Ví dụ, xương đùi và xương chày có thể bị tác động lệch khỏi vị trí, và xương bánh chè cũng có thể bị lệch khỏi vị trí. Trật khớp có thể do cấu trúc bất thường trong đầu gối. Ở những người có cấu trúc đầu gối bình thường, trật khớp thường do chấn thương nghiêm trọng như té ngã, va chạm với xe cơ giới, và tai nạn khi chơi thể thao.
Chấn thương dây chằng chéo trước (ACL)
Dây chằng chéo trước thường bị tổn thương trong các hoạt động thể thao. Vận động viên tham gia các môn thể thao yêu cầu cao như bóng đá và bóng rổ có nhiều khả năng bị chấn thương dây chằng chéo trước. Thay đổi hướng đột ngột hoặc tiếp đất từ một bước nhảy thiếu chuẩn xác có thể làm rách dây chằng chéo trước. Khoảng một nửa trường hợp chấn thương dây chằng chéo trước xảy ra cùng với tổn thương các cấu trúc khác ở đầu gối như sụn khớp, sụn chêm hoặc các dây chằng khác.
Chấn thương dây chằng chéo sau
Dây chằng chéo sau thường bị tổn thương do một cú va chạm mạnh vào phía trước đầu gối khi đầu gối gập lại. Tình huống này thường xảy ra trong các vụ tai nạn xe cơ giới và va chạm trong thể thao. Dây chằng chéo sau có xu hướng bị rách một phần và có khả năng tự lành.
Chấn thương dây chằng bên
Chấn thương dây chằng bên thường do lực đẩy đầu gối sang một bên. Chấn thương dạng này thường là do tiếp xúc và do một cú va chạm trực tiếp vào bên ngoài đầu gối, và thường liên quan đến thể thao. Những cú va chạm vào bên trong đầu gối khiến đầu gối bị ra ngoài có thể làm tổn thương dây chằng bên. Rách dây chằng bên thường ít xảy ra hơn so với các chấn thương đầu gối khác.
Rách sụn chêm
Rách sụn chêm đột ngột thường xảy ra khi chơi thể thao. Rách sụn chêm có thể xảy ra khi vặn, cắt, xoay hoặc bị cản bóng. Rách sụn chêm cũng có thể xảy ra do viêm khớp hoặc thoái hóa. Chỉ cần vặn người một cách vụng về khi đứng dậy khỏi ghế có thể cũng đủ để gây rách nếu sụn chêm đã yếu sẵn do tuổi tác.
Rách gân
Cơ tứ đầu và gân bánh chè có thể bị kéo căng và rách. Mặc dù ai cũng có thể bị tổn thương ở những gân này, nhưng tình trạng rách gân thường xảy ra hơn ở độ tuổi trung niên chơi các môn thể thao như điền kinh. Ngã, lực tác động trực tiếp vào phần trước đầu gối và tiếp đất vụng về khi nhảy là những nguyên nhân phổ biến gây chấn thương gân đầu gối.
Điều trị chấn thương đầu gối
Khi bạn bị chấn thương lần đầu, phương pháp RICE – nghỉ ngơi (Rest), chườm đá (Ice), băng bó nhẹ (Gentle compression) và nâng cao chân (Elevation) – có thể giúp bạn hồi phục nhanh.
Hãy lựa chọn các phương pháp điều trị càng sớm càng tốt, nhất là khi bạn:
• Nghe thấy tiếng tách tách và cảm thấy đầu gối bị rạn ra vào thời điểm bị chấn thương
• Bị đau dữ dội
• Không thể cử động đầu gối
• Bắt đầu đi khập khiễng
• Bị sưng tấy
Phương pháp điều trị mà bác sĩ khuyến nghị sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như mức độ nghiêm trọng của chấn thương, tuổi tác, sức khỏe tổng thể và mức độ hoạt động của bạn.
Điều trị không phẫu thuật
Nhiều chấn thương đầu gối có thể được điều trị bằng các phương pháp đơn giản như:
• Giữ cố định. Bác sĩ có thể đề nghị nẹp đầu gối để tránh cử động. Nếu bạn bị gãy xương, bó bột hoặc nẹp có thể giữ xương cố định cho đến khi xương tự lành lại. Để bảo vệ đầu gối tốt hơn, bạn có thể sử dụng nạng để tránh dồn trọng lượng lên chân.
• Vật lý trị liệu. Các bài tập đặc biệt giúp phục hồi chức năng cho đầu gối và tăng cường sức mạnh cho các cơ ở chân hỗ trợ đầu gối.
• Thuốc chống viêm không steroid. Các loại thuốc như aspirin và ibuprofen giúp giảm đau và sưng tấy.
Điều trị phẫu thuật
Nhiều trường hợp gãy xương và chấn thương quanh đầu gối cần phải được phẫu thuật mới có thể phục hồi hoàn toàn chức năng cho chân. Trong một số trường hợp – như nhiều dây chằng chéo trước bị rách – có thể thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi khớp với các dụng cụ nhỏ và vết mổ nhỏ. Một số chấn thương phải phẫu thuật hở với vết mổ lớn hơn thì bác sĩ phẫu thuật mới nhìn trực tiếp tốt hơn và dễ dàng tiếp cận các cấu trúc bị thương hơn.
NGUỒN: Phòng Nghiên cứu & Khoa học, Học viện Phẫu thuật Chỉnh hình Hoa Kỳ. Rosemont, IL: AAOS; Tháng 2 năm 2014. Dựa trên dữ liệu từ Khảo sát Chăm sóc Y tế Cấp cứu Quốc gia, 2010; Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.
MẮT CÁ CHÂN
Bàn chân và mắt cá chân được cấu tạo từ hơn 100 xương, gân, cơ và dây chằng, và tạo thành 33 khớp. Bàn chân và mắt cá chân là những cấu trúc vô cùng phức tạp, hoạt động đồng bộ để giúp nâng đỡ trọng lượng cơ thể, cho phép chúng ta đứng, đi hoặc chạy cũng như cử động và xoay gập theo nhiều cách khác nhau. Khi bị thương, bàn chân hoặc mắt cá chân đều phải được điều trị chuyên môn cao nhằm phục hồi chức năng và vận động tối đa.